Tin tức

Ngành vận tải đối mặt với năm 2022 đầy bất ổn

 06/01/2022

Năm 2021 khép lại, ngành vận tải toàn cầu sẽ đối mặt với nguy cơ bất ổn từ sự gián đoạn và tắc nghẽn chuỗi cung ứng chưa từng có trong lịch sử. Cùng với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, các quốc gia đã xử lý đợt bùng phát đại dịch này với nhiều biện pháp khác nhau, dẫn đến khó dự đoán các rủi ro tiềm ẩn của chuỗi cung ứng. 

Yantian - cảng biển lớn ở Nam Trung Quốc trong tình trạng kẹt bến tàu container  (Nguồn: Container News)

Yantian - cảng biển lớn ở Nam Trung Quốc trong tình trạng kẹt bến tàu container (Nguồn: Container News)

 

Trung Quốc đẩy nhanh việc đình chỉ vận tải biển

Theo dự báo của Forbes, Trung Quốc sẽ đình chỉ hầu hết các hoạt động vận chuyển trước Tết Nhâm Dần ở nhiều khu vực. Điển hình là các dịch vụ vận tải đường biển ở khu vực đồng bằng sông Châu Giang miền Nam Trung Quốc như Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam đều dừng lại từ cuối tháng 12/2021. Một số hãng vận tải biển như Ocean Network Express (ONE) và Hapag-Lloyd đã ngừng mọi chuyến hàng đến khu vực này. Tình trạng này có tác động xấu đến chuỗi cung ứng hàng hóa ở Hoa Kỳ và Châu Âu sau thời gian dài tắc nghẽn tàu container.

Nguyên nhân đến từ việc duy trì chính sách zero-Covid và quy định cách ly khắt khe của giới chức Trung Quốc, đồng nghĩa với rủi ro các thành phố lớn ở nước này dễ dàng rơi vào trạng thái đóng cửa để kiểm soát đại dịch. Song, sự xuất hiện của biến thể Omicron trong bối cảnh Olympic Bắc Kinh sắp khởi động sẽ gây ra nhiều bất ổn cho chính phủ nếu có bất kỳ ảnh hưởng nào từ dịch bệnh.

Giai đoạn đầu năm 2022 quả là thời điểm nhạy cảm khiến các cảng biển quan trọng đối với thương mại quốc tế của Trung Quốc có nguy cơ cao bị đình chỉ hoạt động. Với sự thống trị ngành vận tải biển của Trung Quốc, bất cứ động thái gián đoạn nào của các cảng container đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận tải toàn cầu trong năm 2022.

Đọc thêm: Áp lực gia tăng lên chuỗi cung ứng trước cuộc khủng hoảng điện năng ở Trung Quốc

 

Hàng không thay thế tàu container

Thực trạng tắc nghẽn tại các cảng container không chỉ ở Trung Quốc mà còn diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới đã khiến nhiều công ty xuất nhập khẩu lựa chọn đường hàng không để thay thế. Xu hướng này dự báo sẽ tiếp tục mở rộng trong năm 2022 nhờ các hãng vận tải lớn như Maersk và CMA - CGM đều đã mở rộng sang hoạt động vận tải hàng không. 

Tuy nhiên, sự bùng nổ về nhu cầu khiến giá cước vận chuyển hàng hóa đạt mức kỷ lục, tăng đến 16 USD/kg so với mức 3,8 USD/kg hồi tháng 5/2020. Không những thế, sức chứa khan hiếm đã gây nên sự tắc nghẽn tại các trung tâm nhập khẩu hàng hóa theo đường hàng không, kể cả các trung tâm lớn như Los Angeles và Chicago O’Hare. 

Trước đây, các hàng hóa vốn chỉ vận tải bằng đường biển vì giá cước vận tải hàng không cao không tưởng như phụ tùng ô tô, giày dép hay các mặt hàng điện tử như máy tính xách tay, đồ gia dụng thì nay đều đã được vận chuyển bằng máy bay.

Theo nhận định của Chủ tịch Innolux James Yang: “Nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng điện tử trong giai đoạn bùng phát đại dịch đã khiến chuỗi cung ứng đối diện với sự gián đoạn. Hoạt động vận tải sẽ tiếp tục là một vấn đề nan giải trong năm 2022”.

“Hoạt động vận tải tiếp tục là vấn đề nan giải trong năm 2022” - Chủ tích Innolux James Yang (Nguồn: Digitimes)

“Hoạt động vận tải tiếp tục là vấn đề nan giải trong năm 2022” - Chủ tịch Innolux James Yang (Nguồn: Digitimes)

 

Covid-19 - mối đe dọa đến sự cân bằng cung cầu 

Nhiều chuyên gia nhận định triển vọng của ngành vận tải toàn cầu năm 2022 sẽ chịu tác động rất lớn bởi diễn biến đại dịch Covid-19. Ông Chris Rogers tại Flexport đưa ra quan điểm: “Một khi đại dịch biến chuyển thành dịch cúm thông thường và chi tiêu của người tiêu dùng chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ thì vẫn mất vài tháng để các khó khăn hiện tại biến mất”. Tuy nhiên, không thể phủ nhận biến thể Omicron có thể khiến các biện pháp chống dịch mạnh mẽ hơn, nhu cầu hàng hóa tăng cao và tạo ra sự mất cân bằng cung cầu trên thế giới.

Hơn nữa, theo Sea-Intelligence nhận định việc gián đoạn chuỗi cung ứng không những đến từ sự bất cân bằng trong nhu cầu container hàng/rỗng mà còn vì Covid-19 vẫn gây ra nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng vận tải và sức khỏe của thuyền viên. Trong khi đó, dữ liệu về nhu cầu hàng hóa của người tiêu dùng chưa cho thấy bất kỳ sự suy giảm nào, do nguồn cầu lớn sẽ khiến chuỗi cung ứng đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong suốt năm 2022.

Biến thể Omicron khiến chuỗi cung ứng toàn cầu chao đảo (Nguồn: Cafedautu.vn)

Biến thể Omicron khiến chuỗi cung ứng toàn cầu chao đảo (Nguồn: Cafedautu.vn)

Quả thật, trong bối cảnh ngành vận tải đang hết sức khó khăn, chật vật chống chọi với nhiều áp lực thì việc thích nghi và thay đổi của các công ty vận tải cần được nhanh chóng đẩy mạnh, điển hình như sự thay thế tạm thời của vận tải hàng không đã phát huy tác dụng trong bối cảnh hiện tại. Dù có nhiều thách thức nhưng cơ hội thu lợi nhuận đáng kinh ngạc vẫn mở ra với nhiều hãng vận tải đường biển bởi các chủ hàng hóa sẽ sẵn sàng trả giá cao hơn cho việc vận chuyển trong năm 2022.

U&I Logistics