Tin tức

Gián Đoạn Chuỗi Cung Ứng - Thách Thức và Cơ Hội

 01/10/2021

Nhà sản xuất giày dép và hàng may mặc ở Việt Nam được coi là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong chuỗi cung ứng (Ảnh: Internet)

Chuỗi cung ứng trong nước bị đứt gãy

Theo CNBC, phương án sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm” kéo dài ở Việt Nam đã khiến năng lực sản xuất giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các thương hiệu toàn cầu. Trong đó, các nhà sản xuất giày dép và hàng may mặc ở Việt Nam được coi là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong bối cảnh mùa mua sắm cuối năm đang đến gần.

Ngành hàng tiêu dùng thiết yếu được cho là có mức tiêu thụ tốt trong đại dịch. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ngành hàng này cũng chịu không ít ảnh hưởng trong quá trình vận chuyển và phân phối hàng hóa. Theo ông Đỗ Thái Vương, Phó chủ tịch Unilever Việt Nam: “Suốt bốn ngày, 44 chiếc xe chở theo gần 500 tấn hàng tiêu dùng của chúng tôi bị chôn chân trên đường”.

Vận chuyển, phân phối là một trong những vấn đề lớn nhất mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt. Theo ông Vương, mỗi địa phương yêu cầu thủ tục, giấy tờ khác nhau, có nơi đòi test nhanh nhưng nơi khác lại cần xét nghiệm PCR, xe chuyển hàng được tỉnh này cho lưu thông nhưng tỉnh kia không cho vào,...

Bên cạnh đó, việc thực hiện “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 địa điểm” không chỉ khiến khả năng sản xuất suy giảm, nó còn khiến các doanh nghiệp tiêu tốn rất nhiều chi phí cho nhân viên bao gồm cả: phí sinh hoạt, phí xét nghiệm, điện nước,...

Nguồn nguyên liệu đầu vào đứt gãy

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: “Một sản phẩm dệt may không chỉ có vải, kim, chỉ, mà còn nhiều nguyên liệu phụ trợ khác. Trong khi đó, các nguyên liệu phụ trợ này lại bị các cơ quan kiểm soát ngăn chặn dịch bệnh cho rằng không phải là hàng thiết yếu nên không cho doanh nghiệp thông qua chốt kiểm soát dịch”.

Vào tháng 8, Richard Hayne, CEO của hãng bán lẻ thời trang Urban Outfitters cho biết, mối lo lớn nhất của hãng là việc nhận hàng, đặc biệt là các sản phẩm váy đầm, quần và chân váy đã đặt hàng ở Việt Nam. “Chúng tôi đặt nhiều sản phẩm ở Việt Nam, và giờ đang phải rất cố gắng để nhận được số hàng đó”, ông Hayne nói.

Chính vì thế ta mới hiểu, không phải ngẫu nhiên mà cách đây ít lâu, 90 CEO của các doanh nghiệp danh tiếng của Mỹ bao gồm: Adidas, Nike, Gap, Coach,... đã đề nghị chính quyền Tổng thống Joe Biden tăng cường việc ủng hộ vaccine cho Việt Nam. 

Trong một bức thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ, Giám đốc điều hành của các công ty này đã nhấn mạnh rằng Việt Nam là một đối tác kinh tế và chuỗi cung ứng quan trọng của Hoa Kỳ.

Bức thư cho biết Việt Nam "hiện là nhà cung cấp hàng may mặc, giày dép và phụ kiện du lịch lớn thứ hai cho thị trường Hoa Kỳ. Hơn nữa, Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp chính các nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất giày dép nhỏ nhưng trọng yếu của Hoa Kỳ",  bức thư cho biết thêm khoảng 3 triệu Công nhân Hoa Kỳ được kết nối - thông qua các chuỗi giá trị - với hàng triệu người khác ở Việt Nam. Cho nên, sự thành công của các doanh nghiệp này phụ thuộc trực tiếp vào sức khỏe, theo đúng nghĩa đen, của ngành công nghiệp Việt Nam.

Ngoài những cái tên kể trên, phân tích của BTIG cho thấy, những công ty bán lẻ có độ phụ thuộc lớn nhất vào sản xuất ở Việt Nam như Deckers Outdoor – công ty mẹ của Ugg and Hoka; Capri Holdings – công ty mẹ của Michael Kors; Tapestry – công ty mẹ của Coach; Columbia Sportwear; Under Armour và Lululemon, cũng sẽ phải chịu nhiều tác động tiêu cực.

Trở lại với Trung Quốc

Sự đình trệ trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam đã khiến nhiều doanh nghiệp phải khẩn trương tìm kiếm lối thoát tại các quốc gia khác. Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) ước tính, 18% số thành viên đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang các nước khác để bảo vệ chuỗi cung ứng của mình, trong khi 16% khác cũng đang xem xét các động thái tương tự, dù chưa có doanh nghiệp nào rời khỏi Việt Nam.

Hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng này chính là Trung Quốc. Trong vài năm trở lại đây, nhằm tránh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và tận dụng nguồn lao động giá rẻ, các công ty đa quốc gia đã chuyển một phần hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang những quốc gia Đông Nam Á lân cận, bao gồm cả Việt Nam.

Tuy nhiên giờ đây, tiến trình này đang bị đảo ngược một cách nhanh chóng. Hôm 9-9, ông Charles Roberson, CEO của nhà sản xuất quần áo bảo hộ Lakeland Industries cho biết, công ty đã thuê các giám đốc điều hành mới để giúp “dịch chuyển năng lực sản xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc trong vài tuần”.

Theo ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham chia sẻ: “đây chủ yếu là chuyển các đơn đặt hàng và là quyết định tạm thời của các doanh nghiệp”, và “hiện chưa có doanh nghiệp châu Âu nào rời khỏi Việt Nam”.

Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút được trên 19 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh việc dòng đầu tư toàn cầu sụt giảm hay chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc thì nguyên nhân chính của sự sụt giảm FDI này được cho là bắt nguồn từ chính sách hạn chế nhập cảnh và cách ly dài hạn. Điều này đã ngăn cản các đoàn chuyên gia và các nhóm phát triển dự án từ nước ngoài vào Việt Nam khảo sát và làm các thủ tục đầu tư.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Do đóng cửa nhà máy, thiếu hụt lao động để sản xuất nên nhiều đơn hàng phải chuyển sang các địa bàn khác trong chuỗi cung ứng. Tuy đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng nếu kéo dài tình trạng này thì có khả năng các nhà đầu tư sẽ chuyển sản xuất sang nước khác”.

Kỳ vọng vào triển vọng phục hồi

Ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn đang “chờ xem” tình hình Covid-19 và hoạt động sản xuất ở Việt Nam sẽ diễn biến như thế nào. Những thách thức được dự báo có thể gia tăng khi kỳ nghỉ cuối năm đến gần. Nhà phân tích Camilo Lyon của BTIG nhận định rằng các vấn đề sản xuất ở Việt Nam có thể chưa có nhiều ảnh hưởng trong quý 3, nhưng ảnh hưởng sẽ rõ rệt trong quý 4 và có thể là cả giai đoạn nửa đầu năm 2022. “Nhiều thương hiệu đã chủ động cắt giảm đơn hàng vì lường trước sự hạn chế công suất và tình trạng ùn ứ đơn hàng một khi các nhà máy mở cửa trở lại sau giãn cách”, bà Lyon cho biết.

Mặc dù các số liệu dự báo tăng trưởng bị cắt giảm, các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng Việt Nam vẫn là điểm đến ưa thích của đầu tư nước ngoài. Ví dụ như HSBC mới đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 từ 6,1% xuống còn 5,1%. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Yun Liu của HSBC vẫn nhận định rằng: “Bất chấp những thách thức trước mắt, triển vọng phục hồi của Việt Nam vẫn rất khả quan với những yếu tố cơ bản vững chắc”.

Tổng giám đốc CEL Consulting, Julien Brun, cho rằng mặc dù hiện tại các nhà máy ở Việt Nam đang bị đình trệ, những khó khăn đó chỉ là tạm thời. Và vấn đề này không chỉ ở Việt Nam, mà còn diễn ra ở châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á.

“Các nhãn hàng may mặc như Nike hay Adidas cũng sẽ phải chờ đợi. Không có câu chuyện năng lực cạnh tranh của Việt Nam bị giảm, trừ khi dịch kéo dài thêm 1-2 năm”, ông Julien cho biết thêm.

Cơ hội trở lại

Hiện Hà Nội và TP.HCM đang lên kế hoạch để mở cửa lại nền kinh tế, chậm nhất là cuối tháng 9 này. Hiện cả hai thành phố lớn đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho người dân, đặc biệt là ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động, đặc biệt trong các khu công nghiệp…

Ngoài ra,  Thủ tướng Chính phủ cũng thành lập 2 tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và các dự án đầu tư nước ngoài.

Ngày 9/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Theo đó, ngoài các chính sách hỗ trợ về tài chính, miễn giảm thuế, thì các vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài, như vấn đề lưu thông hàng hóa, chuyên gia nước ngoài nhập cảnh… sẽ được giải quyết.

U&I Logistics